Đóng bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của người lao động cũng như doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi nhắc đến cụm từ “Bảo hiểm xã hội” không ít doanh nghiệp giật mình và mức phí đóng quá cao. Tính đến hết tháng 10 năm 2016, các doanh nghiệp Việt Nam đang nợ 14 ngàn tỉ đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội. Trong bối cảnh năng suất lao động ở mức thấp nhưng tỷ lệ đóng bảo hiểm càng tăng cao thì chuyện đóng bảo hiểm xã hội là một nỗi lo lớn dành cho các doanh nghiệp. Nói như vậy có nghĩa rằng không phải doanh nghiệp nào cũng muốn “trốn nợ” hay xem nhẹ luật pháp.
Mức đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp Việt quá cao
Việt Nam lọt top đầu trong danh sách những nước có tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao nhất trong khối ASEAN. Càng ngày, số nợ bảo hiểm xã hội càng tăng cao, chúng ta phải xem xét từ nhiều khía cạnh khác nhau chứ không chỉ đơn thuần đổ lỗi tất cả cho doanh nghiệp.
Luật pháp Việt Nam quy định doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội gấp đôi người lao động. Điều khoản này có vẻ vô lý, rất nhiều doanh nghiệp trong nước không đồng thuận. Đã có nhiều ý kiến đưa lên đề nghị giảm mức đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp xuống nhưng tình hình vẫn không khả quan.
Hệ lụy nhìn thấy của việc “ép” doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội quá cao là giá thành sản phẩm cũng tăng vọt, sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm.
Dù đóng bảo hiểm nhiều hiệu quả chẳng thấy đâu vì năng suất lao động thấp quá
Luật pháp hiện hành của Việt Nam quy định, tất cả những người làm việc cho doanh nghiệp đều phải đóng bảo hiểm xã hội, đây là bắt buộc và không có trường hợp ngoại lệ. Chúng ta lấy một ví dụ thực tế như thế này, một nhân viên văn phòng đi làm cho một công ty, người này được trả tiền lương là 7 triệu/ tháng. Đây là một mức thu nhập gọi là vừa đủ sống tại thủ đô Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh chứ không có tiền dư để dành. Mỗi một tháng, họ phải đóng bảo hiểm xã hội 600 ngàn đồng và doanh nghiệp đóng bảo hiểm gấp đôi cho nhân viên là trên 1 triệu 300 ngàn/ người.
Với số tiền phải chi trả như trên, đòi hỏi một người lao động phải tạo ra một sản phẩm có giá trị tính ra tiền mặt tối thiểu là 10 triệu đồng/ tháng thì doanh nghiệp mới có thể “sống” được. Giả sử một doanh nghiệp có 100 nhân viên với mức lương như trên (bao gồm cả bảo hiểm xã hội) thì tiền lương phải trả 1 tháng xấp xỉ 1 tỷ đồng. Khi số lượng người lao động càng tăng thì tiền đóng bảo hiểm xã hội càng cao. Nói đến đây chắc bạn đã hiểu vì sao đóng bảo hiểm xã hội lại là nỗi khiếp sợ của doanh nghiệp. Và nếu không muốn “trốn nợ” doanh nghiệp buộc phải cắt giảm người lao động đến mức tối thiểu nhưng vẫn phải làm sao để năng suất lao động tăng lên để có thể tồn tại.
Một điều thật đáng buồn khi nói về năng suất lao động của Việt Nam. Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nước ta đang có năng suất lao động thấp hơn Hàn Quốc đến 10 lần, so với Nhật Bản thì chúng ta kém 11 lần và so với Singapore thì hơn 15 lần. Cho dù, tỷ lệ đóng cho bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hàn Quốc có ngang nhau đi nữa thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị “đè” dưới mức đóng bảo hiểm xã hội quá cao do năng suất lao động đang ở tình trạng báo động.
Suy cho cùng, nhìn thấy năng suất lao động thấp không thể đổ thừa cho doanh nghiệp mà nhà nước cần xem xét lại mức đóng bảo hiểm xã hội.
Vậy giải pháp dành cho doanh nghiệp hiện nay là gì?
Đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp đó là giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội. Việc đóng bảo hiểm xã hội cần phải linh hoạt giữa bắt buộc và tự nguyện. Cần có những quy định mở dành cho doanh nghiệp và người lao động xoay quanh việc đóng bảo hiểm xã hội như: mức đóng là bao nhiêu? Hình thức đóng như thế nào? Đưa ra tỷ lệ đóng? Nội dung đóng là gì?…
Thực chất mà nói, người lao động và doanh nghiệp có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng khoản bảo hiểm này chính là quyền lợi của người lao động. Mà đã là quyền lại vì cớ làm sao cứ phải o ép, tạo ra áp lực và gánh nặng lớn cho doanh nghiệp và người lao động để làm gì?
Thay vì gây sức ép, Nhà nước cần tạo các điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư máy móc, trang thiết bị công nghệ để nâng cao năng suất lao động. Công tác đào tạo nghề cần được đẩy mạnh hơn, chuyên sâu hơn để người lao động có trình độ vững.
Thêm một vấn đề cực kì quan trọng đó chính là sự minh bạch, rõ ràng về quỹ bảo hiểm xã hội. Nếu như bảo hiểm xã hội Việt Nam làm được điều này thì doanh nghiệp cho đến người lao động mới có lí do để tin tưởng mà không ngại ngần hay né tránh việc đóng bảo hiểm xã hội.